Quy hoạch đô thị và biến đổi khí hậu

Ngày 14 tháng 10, bão Nari đi vào khoảng giữa Đà Nẵng và Huế, càn quét các tỉnh miền trung khiến 150.000 người phải di dời khẩn cấp vào các khu nhà kiên cố hơn. Thông báo trên truyền thông, một siêu bão tương tự như Xangsane 2006 đang diễn biến. Đà Nẵng, thủ phủ của miền trung, dân tình thức trắng đêm theo dõi bão. Cầu sông Hàn, biểu tượng của thành phố hiện đại bị gió giật lở một mảnh ốp hông cầu rơi xuống sông. Bão Nari là cơn bão số 11, mới trước đó hồi đầu tháng, cơn bão số 10 cũng đã làm người dân điêu đứng, miền trung tan hoang và cả một thị xã chìm nghỉm do xả lũ (Trận “đại hồng thủy” ở Hoàng Mai là… bất khả kháng?). Nhìn rộng ra khu vực thì ngay sau bão Nari đi qua vài giờ, Philipines lại gánh chịu một trận động đất 7,2 richter, Ấn Độ và Nhật Bản cũng bị bão lớn chết hàng chục người và gần nửa triệu người phải sơ tán khẩn cấp. Trong vòng chưa đến 1 tuần, lướt qua các trang thông tin tổng hợp đã thấy hàng loạt những thiên tai liên tiếp với cường độ mạnh và mức độ tàn phá khủng khiếp. Thiên nhiên thực sự đang nổi giận?

biến đổi khí hậu do đô thị và con ngườiChúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử, những cụm từ “trận lụt lịch sử”, “trận mưa lịch sử”, mùa đông “lịch sử”, hạn hán “lịch sử” nhan nhản trên các báo, với tần suất liên tục. Công chúng gần như đã bội thực với tính từ “lịch sử” đến mức quay lại hồ nghi năng lực quản lý của nhà nước và nghi ngờ các con số thống kê. Nhưng những động thái “cực đoan” của thiên nhiên già cỗi là có thật và cũng chỉ mới bắt đầu từ vài chục năm nay trong 1 chiến dịch làm mới mình mang tên Biến đổi khí hậu.

Năm 1987, tại Hội nghị của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới, bà  Gro Harlem Brundtland thủ tướng Na uy và cũng là chủ tịch Ủy ban đã đọc bản báo cáo với nhan đề “Tương lai chung của chúng ta” đưa cụm từ “phát triển bền vững” thành một trong các tiêu chí không thể thiếu trong các chương trình hành động của tất cả các chính phủ. “…”Tương lai chung của chúng ta” đã cảnh tỉnh rằng, con người phải thay đổi rất nhiều trong cách sống và hành động của mình nếu không thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng vượt quá sức chịu đựng của con người và môi trường sẽ bị phá huỷ tới mức không thể chấp nhận được…”. Báo cáo này sau đó thường được gọi là báo cáo Brundtland, đã mở đường cho cuộc hội nghị Thượng đỉnh trái đất năm 1992 ở Rio de Janeiro. Tại Hội nghị thượng đỉnh này thì 155 nước đã ký chung Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Theo Công ước này, biến đổi khí hậu được định nghĩa là: “những biến đổi trong môi trường vật lý hoặc sinh học gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý hoặc đến hoạt động của các hệ thống kinh tế – xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc lợi của con người”. Và mục tiêu của Công ước là nhằm “ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu”.

Kể từ đó thì “biến đổi khí hậu” được tuyên truyền khắp nơi, các quốc gia một mặt nhận thức được tầm quan trọng của hiện tượng này, nên thường đề ra các chủ chương để “ứng phó”, “thích ứng” với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, nhưng một mặt vẫn lờ đi những điểm mấu chốt để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, và tất nhiên là tiếp tục làm suy thoái môi trường. Điển hình là tại hội nghị Rio 20+ năm 2012, nơi các nước ngồi lại với nhau sau 20 năm ký Công ước Khung thì một tuyên bố mới đưa ra bị đánh giá là thất bại do sự thiếu đồng thuận, thiếu quyết tâm của các chính phủ, đặc biệt là sự lơ là của các nước lớn.

Với Việt Nam, những báo cáo gần đây của liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đều cho thấy những tương lai ảm đạm của việt nam do tác động của biến đổi khí hậu. Hai con số đủ để miêu tả bức tranh xám xịt là theo báo cáo của UNDP việt nam đứng thứ 2 thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do Biến đổi khí hậu, hoặc như theo DARA mỗi năm việt nam tổn thất 15 tỉ đô la do biến đổi khí hậu. Viễn cảnh âm u của chúng ta một phần do Việt nam nằm trải dài bên bờ biển, những ảnh hưởng do bão lụt, nước biển dâng đang ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống các đô thị sát biển của việt nam trong tương lai, như bão lụt ở miền trung và ngập lụt ở vùng hạ lưu sông cửu long là hai thách thức khó khăn cho bài toán quy hoạch và phát triển.

Quy hoạch đô thị phát triển bền vững với biến đổi khí hậu
Mới đây các chuyên gia của trường ĐH Cottbus hợp tác với sở Quy hoạch kiến trúc tp HCM đã cho ra đời cuốn “Cẩm nang Quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với với biến đổi khí hậu cho thành phố Hồ Chí Minh” như một công cụ hỗ trợ, tham khảo, khuyến nghị cho quy hoạch và thiết kế đô thị tại khu vực này. Việc sử dụng quy hoạch đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu như một công cụ quan trọng nhất đã được thừa nhận rộng rãi qua các nghiên cứu môi trường và quy hoạch.  Chỉ cần nhìn qua các con số tỷ lệ, có thể thấy các thành phố của thế giới chỉ chiếm 2% diện tích đất của Trái đất, nhưng tiêu thụ 80% năng lượng và phát thải 75% lượng khí thải carbon. Như cách ví von của Peter Calthorpe , người đồng sáng lập Hội đồng Chủ nghĩa đô thị mới,  thì đô thị như những bệnh nhân đang ở chế độ dinh dưỡng carbon cao, ngày càng phát phì và ngốn một nguồn lương thực lớn là như đất nông nghiệp, xăng dầu, điện .v.v.  Chế độ dinh dưỡng này nuôi sống cơ thể nhưng làm vòng eo to ra, không cung cấp thêm sức mạnh cơ bắp và không thể phục hồi thể trạng khỏe khoắn. Các nguồn năng lượng cung cấp cho đô thị không theo dạng tự cung tự câp, mà lấy từ ngoài đưa vào, các vùng lân cận, hoặc các quốc gia khác theo các quy luật thương mại.

Cũng theo Calthorpe thì vấn đề thiết kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu không thể thực hiện ở quy mô đô thị đơn lẻ mà phải tiến hành trong một khuôn khổ chính sách chiến lược phát triển của vùng. Nói cách khác chúng ta chỉ có thể có các “vùng bền vững”. Vì chỉ có quy mô vùng chúng ta mới xây dựng được “đô thị sinh thái”, “tăng trưởng xanh” hay “kinh tế xanh” trong nỗ lực giảm thiểu carbon và nâng cao chất lượng môi trường, hơn nữa chỉ ở quy mô vùng chúng ta mới xây dựng được chỉnh thể hệ thống giao thông hợp lý nhằm giảm bớt khí thải và tối ưu hóa hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa
Những nhận xét của Calthorpe liên quan chặt chẽ tới lý thuyết về Dấu chân sinh thái đô thị do William Rees và Mathis Wackernagei đưa ra từ những năm 90 của thế kỷ 20.

Bằng cách sử dụng khái niệm “Dấu chân sinh thái” như một công cụ để so sánh nhu cầu của con người với sức tải sinh học – khả năng tái tạo tài nguyên và hấp thụ chất thải của Trái đất, bằng cách chuyển đổi các diện tích có khả năng cung cấp năng suất sinh học sang đơn vị chuẩn hecta toàn cầu (gha). Theo họ “Dấu chân sinh thái là thước đo nhu cầu về các diện tích đất có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người, bề mặt xây dựng cơ sở hạ tầng, diện tích hấp thụ CO2, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải.  Chỉ số dấu chân sinh thái được coi là một chuẩn mực để đánh giá và định hướng họat động nhằm vừa phục vụ lợi ích của con người mà không làm ảnh hưởng tới các hệ sinh thái trên hành tinh.  Trên cơ sở các số liệu về diện tích các lọai đất đai cho năng suất sinh học, lượng tiêu thụ, sản lượng trung bình toàn cầu và các hệ số cân bằng, người ta có thể tính ra được chỉ số « dấu chân sinh thái » cho tòan cầu, cho một khu vực, một quốc gia.

Nói ngắn gọn, bắng cách quy các nguồn năng lượng và nguồn phát thải của quá trình vận động kinh tế xã hội ở đô thị sang đơn vị diện tích “dấu chân sinh thái” (hecta địa cầu -gha), sau đó so sánh diện tích thực của đô thị sẽ ra được một kết quả là đô thị đó đang tiêu quá mức đến thế nào so với số vốn thực của mình.

dấu chân sinh thái của đô thịVí dụ như Vancouver năm 1991 có số dân 472.000 người và diện tích hành chính 11.400 ha, tuy nhiên mức độ diện tích “dấu chân sinh thái” cần thiết đang cung cấp cho Vancouver là 2 triệu hecta (William Rees và Mathis Wackernagei, Urban ecological footprints, 1996). Như vậy mức độ diện tích cần thiết cung cấp cho các hoạt động của Vancouver lớn gấp 200 lần con số diện tích thực. Nếu tính toán cho cả vùng đó, nơi Vancouver chỉ là đô thị hạt nhân, và tỷ lệ đất đô thị chỉ đạt 18%, còn lại là nông nghiệp, thì Diện tích “dấu chân sinh thái” cung câp cho Toàn Vùng cũng gấp 14 lần diện tích thực của toàn vùng. Vậy thì diện tích phụ trội này đô thị đó hay vùng đó kiếm được từ đâu ra ? Đó là do đô thị này đã “bóc lột” tài nguyên từ các khu vực khác kém phát triển hơn thông qua thương mại. Bản thân đất nông nghiệp trong nội bộ vùng bị suy giảm do nông dân chuyển sang các hoạt động kinh tế khác có giá trị cao hơn. Ở bên kia của cán cân thương mại, những vùng đang bị khai thác thì cũng có sự suy giảm khả năng phục vụ như mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa, ô nhiễm .v.v. nói cách khác thì cũng là suy thoái tài nguyên. Tác giả đã chỉ ra rằng đằng sau cuộc sống phong lưu và “bền vững” của các đô thị hiện đại phát triển, lại là một cỗ máy phá vỡ tính bền vững ở quy mô toàn cầu.

Như vậy thì để tiến tới một mô hình đô thị bền vững, hay vùng bền vững thì diện tích “dấu chân sinh thái” đô thị phải xấp xỉ với diện tích thực của đô thị đó. Điều này tương đương với một quy hoạch tự cung tự cấp tự sản tự tiêu cho đô thị. Tất nhiên các tác giả không ủng hộ giải pháp đóng kín trong việc phát triển kinh tế xã hội một vùng hay một đô thị, còn nhiều khoảng trống để những nhà kinh tế môi trường, chiến lược gia, quy hoạch gia và toàn thể nhân loại xúm nghiên cứu và tìm tòi. Tuy nhiên mô hình này cũng cho phép rút ra được hai kết luận. Một là chẳng có đô thị nào đảm bảo sự bền vững độc lập của nó nếu không gây ảnh hưởng tới tài nguyên sinh thái của vùng khác, hai là các biện pháp để phát triển bền vững phải trả về các kết quả có xu hướng làm giảm dấu chân sinh thái đô thị. Dù sao thì chúng ta cũng đã có một thước đo kiểm tra cho các biện pháp quy hoạch để hướng tới “phát triển bền vững”, chứ không phải chỉ là hô hào, rồi lại chăm chăm chạy theo tăng trưởng kinh tế, như những gì Peter Hall đã viết “Sự phát triển đô thị bền vững là một nguyên tắc dễ phát sinh thành những lời chung chung, nhưng rất khó biến lời nói thành hành động khi ra các quyết định hàng ngày”.

4 bình luận

  1. […] căn nhà thụ động ra đời với mục đích giảm dấu chân sinh thái và hạ mức năng lượng tiêu thụ. Nhưng đằng sau điều đó, thụ động đã […]

  2. […] Thực tế thì quan điểm thứ ba đang ngày càng phát triển vững chắc do những phong trào phổ biến nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh và biến đổi khí hậu. (Xem thêm Quy hoạch đô thị với biến đổi khí hậu). […]

  3. […] theo hướng bền vững, phải có nghĩa vụ trả món nợ với tự nhiên của mình nhằm làm giảm dấu chân sinh thái, cái mong ước “cứ lấy đi 100 m2 đất để làm nhà thì phải có trách […]

  4. […] Thực tế thì quan điểm thứ ba đang ngày càng phát triển vững chắc do những phong trào phổ biến nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh và biến đổi khí hậu. (Xem thêm Quy hoạch đô thị với biến đổi khí hậu). […]

Bình luận về bài viết này