Ghi chép ở bệnh viện St Joseph St Luc

Ngày 15-8 thánh lễ đức mẹ lên trời, một trong 4 ngày lễ trọng của người Cơ Đốc. Đối với dân Lyon thì đức mẹ Maria có riêng 1 lễ hội ánh sáng để tôn vinh vào tháng 12 nên ngày này không khí có vẻ vắng lặng trừ các nhà thờ địa phương. Có lời kinh nào đẹp hơn lời kinh của Đức mẹ “Đời nọ cho tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,…Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,” như thánh Luc kể lại. Tôi đang đứng trên tầng 5 của một bệnh viện vắng lặng, bênh viện St Joseph – St Luc. Phía bên kia lớp cửa kính cách âm 2 lớp là Sông Rhone, là Lyon và bức tượng đức mẹ tọa lạc trên đỉnh vương cung thánh đường của mình.

Nhà thờ Notre Dame với ngọn đồi Fourvière chưa bao giờ đẹp như thế. Ở Lyon đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên bức tranh sơn thủy Rhone – Fourviere được quan sát ở góc nhìn cao, thoáng và chính diện thế này. Ở dưới kia, ánh nắng cuối hè lấp loáng trong cái gió lộng của mùa thu đang về. Thành phố đi vắng hết. Chỉ để lại những bệnh nhân hiếm hoi già cả rơi rớt lại và rải rác ra trong cái bệnh viện toàn kính này. Một rủi ro tình cờ đã đẩy tôi và những người bạn, những người tạm gọi là trẻ tuổi vào trong khuôn kính của cái bệnh viện mang tên 2 vị thánh và một nhúm bệnh nhân cao tuổi nơi đây. Chúa phù hộ. Ca phẫu thuật bình thường, mọi người đều vui vẻ nhất là khi khoản tiền viện phí lơn lớn đã được bảo hiểm gánh vác. Chỉ tội các cụ già. Dịch vụ y tế hiện đại với chế độ chăm sóc tận tình vẫn không thể lấp đầy khoảng trống của những tâm hồn cô đơn, và quỹ thời gian cạn kiệt.

May mắn thay các cụ vẫn còn niềm tin vào chúa. Ngày đức mẹ lên trời, lời hứa của chúa đến con người đã được minh chứng trong câu chuyện về đức mẹ. Đạo cơ đốc đã làm được một điều tuyệt vời khi khoác tên các thánh cho các bệnh viện để người ta cảm thấy được sự che chở vô hình nào đó. Tôi cũng đã từng có sự che chở vô hình mà bản thân cũng không nhớ nổi. Đó là khi cấp cứu ở Xanh Pôn khi 11 ngày tuổi. Ngày nay hình như chẳng còn bệnh viện mới nào được đặt tên theo các thánh nữa. Khoa học đã giúp con người khẳng định cái tôi của mình và dấn bước sâu vào thế giới siêu hình, chúng ta càng trưởng thành về nhận thức thì lại càng mong manh về niềm tin. Không có niềm tin liệu có còn sự cứu rỗi ? Không có sự cứu rỗi thì làm sao xoa dịu được nỗi đau vô thường.

Tôi đi dọc theo hành lang Claude Bernard của bệnh viện và miên man trong đầu những suy tư về khoa học và tôn giáo. Claude Bernard, nhà sinh lý học ra đời đâu đó gần Lyon, bên này mỗi salle, mỗi hành lang của bệnh viện và các viện nghiên cứu thường đặt tên danh nhân để nhắc nhở thế hệ đi sau về những người khổng lồ thời trước. Lyon tự hào về ông này lắm, có cả 1 trường đại học đặt theo tên Claude Bernard cơ mà. Kể từ khi Descartes nghi ngờ tất cả và chính thức bứt loài người ra khỏi những giáo điều Trung cổ thì con người rời khỏi cái tổ ấm tôn giáo để nhảy vào khoảng không. Và chính lão Bernard này đã mang lại đôi cánh Giả thiết – thì nghiệm nâng con người bay vào bầu trời khoa học. Để rồi chúng ta ngày càng ngợp mình trong cái vĩ đại của bầu trời mà quên đi cách quay về tổ ấm thơ ngây ban đầu. Nhưng đôi cánh thì nhỏ mà bầu trời thì lớn, những giờ phút khắc khoải bệnh tật, khắc khoải cô đơn luôn bắt chúng ta phải ngoái đầu nhìn về tổ ấm trong mong mỏi của 2 chữ Ước gì.

Nhưng chúng ta đã đi rất xa, xa đến nỗi những phim khoa học viễn tưởng trước kia trở nên gần hơn bao giờ hết. Đọc một bài báo khi đang uể oải chờ đợi trên băng ghế bệnh viện, người ta nói “Sex robot” đã là một cái gì đó có thể và rất con người nếu chỉ xét trên những hành động. Khoa học đã giải phóng được sức lao động và gây đột biến xã hội. Liệu đã đến lúc thích hợp để phụ nữ, những người mang bộ gen mạnh mẽ và luôn bị đè nén bằng văn hóa, thói quen cảm xúc kia không còn chấp nhận mình là một mẩu xương sườn đơn giản nữa. Các nước càng hiện đại thì phụ nữ càng mạnh mẽ và đầy quyền lực. Như ở Pháp này có đạo luật về cân bằng giới khá thú vị yêu cầu tỷ lệ nam nữ trong công ty phải xêm xêm. Một cuộc chiến mới về giới sẽ xảy ra bên cạnh những suy thoái, hỗn loạn và chiến tranh đang có.

Tất cả là do khoa học đã chắp cánh, tôn giáo thì cũ kỹ và chưa có lối ra cho niềm tin của con người. Mới đọc một bài báo của một nhà nhân học nói rằng con người đã qua giai đoạn trưởng thành sinh học và ngay thời gian tới phải cần một bước trưởng thành về chất, tức là trưởng thành về tình cảm. Tình cảm với nhau, tình cảm với môi trường và hệ sinh thái. Nếu không chúng ta sẽ chỉ là một đứa bé lớn xác, to khỏe nhưng ngu ngốc lấy dao chặt chân mình.

Bình luận về bài viết này