Kỷ niệm thơ ấu – Nhà Hà nội với hành trình tự chủ về nguồn nước

Đọc bài trên Thời báo kinh tế sài gòn thấy khâm phục các bạn Singapore về nỗ lực phải tự độc lập nguồn nước cho mình.

Là thành phố-hòn đảo rộng 700km2 nguồn cung cấp nước đô thị hoàn toàn chỉ là ống dẫn mua nước từ nguồn bên Malaysia trước đây, chỉ trong vòng 50 năm bằng các chính sách xây dựng một đô thị Xanh và phát triển bền vững, họ đã xây dựng một hệ thống phát triển vượt bậc đồng thời cả về công nghệ và trình độ quản lý. Không có nguồn nước ngầm, xung quanh là biển nhưng bằng nỗ lực và sáng tạo, đến nay 3 nguồn nước tự sản xuất là nước mưa, nước lọc mặn và nước tái chế đã đảm bảo 70% lượng nước nhu cầu. Và hệ thống vẫn đang tiếp tục nâng cấp để phục vụ các mục tiêu cao hơn. Để thu nước mưa dự kiến Singapore sẽ xây dựng mạng lưới tập trung nước phủ kín 90% diện tích hòn đảo dồn nước về các bể dự trữ, hiện nay mạng lưới thu gom đã phủ hơn 50%. Còn dự án tái chế nước đã có những đột phá về công nghệ bằng hệ thống NEWater, tương lai sẽ đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng với chi phí thấp. Họ thậm chí còn xuất khẩu dịch vụ công nghệ và quản lý sang các nước khác, mở ra một ngành công nghiệp mới cho Singapore. Những thành công đó càng đáng khâm phục khi họ thực hiện không phải trên một đô thị ổn định mà trên một đô thị vẫn đang tiếp tục quá trình đô thị hóa gia tăng về nhân khẩu và xây dựng mới

Tự nhiên thấy bùi ngùi. Nhớ lại hồi bé, lớn lên tại 1 góc phố cổ Hà Nội, những  năm tháng thiếu nước trở thành nỗi nhớ sâu thẳm trong tiềm thức. Tuy không tạo thành những tập tính khắc khổ nhưng cũng đủ để có những thói quen vô thức, tỷ dụ như cái khoái trá mỗi khi tắm bồn, cái giật mình mỗi khi mưa to lúc nửa đêm. Thế hệ 8x chúng tôi nơi góc phố này không phải kinh qua một Hà Nội của chiến tranh và nghèo đói như những thế hệ đi trước, không phải nếm trải những nỗi nhọc nhằn gian khổ, tuổi thơ của tôi êm đềm trải qua những thang bậc đi lên của những tiện nghi cuộc sống đô thị khi đất nước chuyển mình, để rồi mỗi khi nhớ lại thì hình ảnh cuộc sống thiếu thốn trước kia chỉ như những thước phim êm đềm qua cái nhìn trong veo của trẻ con.

Ngay từ bé nhà tôi đã có nước máy, nhưng chả bao giờ được sử dụng. Một căn nhà phố mái ngói 2 tầng rộng 50m2 chịu lực bằng tường gạch 30cm, quay mặt ra phố chính được chia làm 2 hộ, hộ tầng trên và tầng dưới, dùng chung một khoảng sân trong dài đằng đắng kéo dài tới con ngõ đằng sau. Mỗi nhà mỗi bể tuy nhiên đường nước thì chỉ có một, nhà tôi ở cuối nguồn nên thường là tơ nhện giăng đầy vòi nước vì lượng nước phân phối ít quá, không đủ cho cái bể 2 mét khối của hộ tầng dưới, một gia đình kinh doanh cà phê giải khát. Cãi nhau chửi nhau nhiều, thậm chí cả suỵt chó ra dọa nhau cũng có, nhưng nước thì vẫn chẳng đủ cho những nhu cầu tối thiểu. Chị tôi cứ tối đến là 2 cái vác xô tôn xô thiếc 30l ra xếp hàng xách nước từ một vòi nước công cộng cách nhà 200m chiều dài và 1 tầng gác chiều cao đi đi lại lại mang nước về cho cả nhà.

………

Nhưng vẫn chẳng đủ, bố tôi đi công tác về đã xây một ban công cơi nới với cái bể nước nhỏ nhỏ trên ban công đó để hứng nước mưa thêm vào. Nước mưa rơi xuống mái ngói, trượt qua rãnh gạch hòa thành dòng trong các lòng máng và rơi thẳng xuống ống xối từ độ cao hơn 10 m. Tại lưng chừng độ cao đó, nhà tôi đã đục ống xối và bắt máng dẫn chảy vào bể. Máng dẫn bằng sắt do bố tôi gò lại từ các ống nước phi to đùng, không hiểu cụ xin được ở đâu. Nước trước khi chảy vào bể qua một tấm lọc tự tạo làm bằng một chiếc rổ to và vải màn. Bố tôi thường dặn chỉ hứng nước mưa khi mưa to được 1 lúc cho sạch mái, vì vậy “hệ thống” là rời hoàn toàn, bình thường đậy ống xối lại cho nước thoát tự do, khi nào cần mới lắp từng bộ phận.  Cứ trời mưa to thì dù là đêm hay ngày, cả nhà cũng phải lục tục ra lắp máng vào hứng nước. Tôi trẻ con thường ở nhà nên cũng là người được “vinh dự” được giao trách nhiệm “trực chiến” khi cả nhà đi làm hết. Khổ một nỗi mưa to nước xối mạnh nên “hệ thống” rời rạc lỏng lẻo có thể bung lanh tanh bành ra bất cứ lúc nào. Vậy là phải đứng giữ, mưa với gió cứ thế hắt vào mặt mũi thằng bé, có khi ướt sạch. Nhưng vẫn thích, vì có cảm giác làm việc gì có ích “như người lớn”.

Nhưng mùa hè mưa bão lắm thì cố gắng còn đủ nước chứ mùa đông thì vẫn phải trông cậy vào những xô nước từ khoảng cách 200m. Dần dần thì có nhà đầu ngõ đằng sau đứng ra kinh doanh nước sạch.  Lúc này thành phố đã dần có những “hoàng tử đen 79”, “kim vàng giọt lệ 81” có nhu cầu tắm rửa trước khi được các anh cò mang ra quán cà phê ngay cạnh đó chào hàng trên phố Quán Sứ. Một ông hàng xóm vừa dữ tướng vừa khôn lanh và hay chửi thề trong ngõ nghỉ một cục về mở tiệm rửa xe máy. Chẳng hiểu sao bể nước nhà ông ấy lúc nào cũng đầy, và đã có sự gặp gỡ cung cầu. Mỗi tuần từ 1- 2 lần nước được bơm về nhà tôi từ khoảng cách chỉ 100m bằng một hệ thống ống cao su to, cứng và dài loằng ngoằng như con rắn mà mỗi lần mấy bà hàng xóm đi xe đạp chẹt lên lại sóc nảy tưng lên chửi. Khi nào bơm xong lại thu ống về nhà ông hàng xóm, rất tự động, hiện đại và hại điện. Chi phí thì tôi còn bé nên không biết, chỉ biết mẹ dặn phải tiết kiệm hơn và chỉ biết chị tôi bắp tay đã ko còn cuồn cuộn như cũ nữa. Được một thời gian chừng 1 năm gì đó thì nước nhà ông ta bị đánh thuế kinh doanh thế nên nhà tôi cũng đành chia tay nước máy.

……..

Vậy thì đào giếng, một chiếc giếng khơi đã ra đời kết quả của những lần thỏa hiệp, thương lượng và trả giá khổ sở với hộ tầng dưới để chia đứt cái sân chung đằng sau rồi mới được đào. Phải gọi anh em họ hàng ở quê lên vác cuốc chim và thuổng hì hục đào mấy ngày mới sâu được năm bảy mét. “Đất Hà Nội mực nước ngầm dâng cao, nhưng nước để uống được thì phải trên 5m, nhất là xung quanh có mấy nhà nuôi lợn”, bố tôi nói vậy. Đào được mạch nước thì giếng nhà sát vách nước hình như bị cạn cạn, cũng may nhà đó với bố mẹ tôi thường chào hỏi thân thiết nên bác hàng xóm cũng chỉ sang trao đổi, nói chuyện một hồi rồi cũng ổn, và cũng vì qua ngày hôm sau giếng nhà bác đó lại đầy trở lại. Trong ấm ngoài êm. Kể từ thới có cái giếng khơi đó thì cứ phải gọi là sung túc, tắm dội nước ầm ầm, giật cả gầu nước to dội thẳng từ trên đầu xuống xệ cả quần đùi như mấy anh thanh niên nông thôn. Chỉ mỗi tội quần áo giặt rất nhanh ố và phích nước Rạng đông thì suốt ngày đầy cặn.

Thời gian trôi, anh họ tôi, một giảng viên trường mỏ địa chất một hôm vác cả một ê kíp đến nhà tôi khoan giếng. Ý tưởng làm giếng khoan không biết là do bố mẹ tôi hay anh họ chào mời. Có giếng khoang là có máy bơm riêng trong nhà, nước được hút từ độ sâu 30m thì phải không nhớ nữa, theo đường ống vọt lên một cái bể mới xây ở tận trên mái, dưới lớp ngói. Nước treo cao nên nhà có hệ thống vòi nước và sen tắm đầy đủ “như khách sạn”. Mỗi tội khi bơm nước phải có người trèo lên xem bể đã gần đầy hay chưa, vì sợ tràn bể thấm ướt trần vôi rơm thì lở trần hết. Sau đó bố tôi thiết kế thêm ống nước chống tràn, mỗi khi mực nước cách bể 1 gang tay là theo 1 đường ống phun xuống ướt đầy sân như một tín hiệu cảnh báo nên dừng bơm tiếp.

…….
Nước giếng khoan tất nhiên là có vẻ “chất lượng” hơn giếng khơi, ấy là do tôi võ đoán thế qua sự hồ hởi phấn khởi trên nét mặt bố mẹ tôi, những giáo viên dạy hóa. Lúc này thì cũng giống người dân Singapore, nhà tôi thực sự đã “độc lập, tự chủ” về nguồn nước,  không phải lo lắng nhiều mặc dù các ống dẫn nước vẫn nhanh rỉ sét. Bố mẹ tôi thậm chí còn mang về nhà một chiếc “bồn tắm ngồi” và mắc thêm bình nóng lạnh. Nhà tôi cứ độc lập như thế một thời gian dài đến năm tôi gần 18 tuổi, dự án cấp nước lúc này cũng đã phủ đến khu vực nên cả nhà tiếc rẻ xóa đi hệ thống giếng khoan cũ, chính thức “hòa mạng quốc gia”, tất cả từ nay phụ thuộc vào chất lượng nước cấp và hóa đơn nước hàng tháng. Nước dùng đến đâu trả tiền đến đấy, vẫn có ý thức tiết kiệm nhưng hệ thống ống, gioăng và vòi trung quốc nhanh hỏng nên nhiều khi vẫn tiêu hao tốn kém. Nước từ đường ống chính trên phố qua công tơ chảy vào bể ngầm, sau đó có máy bơm tự động lên bình Sơn Hà trên mái. Có đêm hai bố con đang nằm xem bóng đá tự nhiên máy bơm kêu ông cụ cũng nhỏm dậy thắc mắc, “Nhà mình rò nước ở đâu rồi, không ai dùng sao máy bơm tự bật, con kiểm tra xem”.

…..

Vậy đó, cuộc sống thời thơ ấu của tôi ở căn nhà bên rìa phố cổ những năm 80,90 có nhiều khó khăn nhưng vẫn khấm khá hơn từng ngày. Những nhu cầu thiết yếu bắt buộc bố mẹ tôi phải vật lộn với những phương cách rất “altenative” để bao bọc tôi trong một tuổi thơ đầy mầu hồng và nhiều sự kiện.
Những câu chuyện như thế này chỉ là phần nhỏ của cuộc sống đầy rẫy những khó khăn do thiếu hụt nguồn lực và thách thức cho mọi đối tượng, đã và đang diễn ra, từ quy mô gia đình đến một quốc gia rộng hơn. Trở lại câu chuyện Singapore thì họ thành công nhờ quyết tâm từ cách đây 50 năm của Lý Quang Diệu kèm theo những nỗ lực trong quản lý và cái tiến công nghệ. Tôi nghĩ đối mặt và xử lý việc thiếu hụt nguồn lực như thế nào là do người lãnh đạo, những người lèo lái toàn quyền quyết định, ở vị trí trách nhiệm của mình, họ phải bỏ ra những nỗ lực cao nhất và toàn tâm toàn ý để bù lại những thiếu thốn cho cộng đồng, cho thế hệ tương lai, thế hệ sẽ trưởng thành với mức khởi đầu tốt hơn và phụng sự đất nước với lòng biết ơn và tái tạo những nỗ lực vô tư của họ. Nhưng cuộc sống xã hội thì lây đâu ra cái nợ đồng lần như thế được, chỉ là ước mơ thôi!

2 bình luận

  1. Thật là một entry dịu dàng nhiều hoài niệm, mà nhờ vậy mình mới biết bạn là 8x, nghĩa là nhỏ hơn mình [7x] và bạn cũng có thời gian ở Hà Nội [như mình]

    Chị [cho hợp lý hơn] cũng nhớ hồi nhỏ ở trong một villa của Pháp nhưng rất nhiều gia đình trong đó, nước thì cũng chẳng chảy lên nổi mà toàn phải hứng từ dưới nhà lên. Nhà thiếu đàn ông nên không có được nhiều sáng kiến như gia đình em được, dù vậy, việc mẹ chị phải gánh từng xô nước lên, và việc phân chia sử dụng một cách tuần hoàn thì có lẽ chẳng bao giờ quên được. Đó là tuổi thơ, mà tuổi thơ thì “mỗi người chỉ một”

    Đọc entry này xong chị thấy nhớ cái tuổi thơ tí hon ở Hà Nội quá đi mất.

    PS: Riêng về câu cuối của entry, đọc xong chỉ biết chép miệng mà thôi !

    1. Dạ vâng, Có người chia sẻ vài dòng ký ức tuổi thơ ở Hà Nội thì vui quá. E cũng viết để tự mình nhớ lại vì những hình ảnh cũ đang mờ dần. Hy vọng những hoài niệm của chị vô tình bị gợi lại không quá “nặng nề”, mà thôi những kỷ niệm tuổi thơ cay đắng đến mức nào qua thời gian thì cũng có thêm đôi phần ngọt ngào.

Bình luận về bài viết này