Phục sinh và Bánh

Thằng em mang về 1 hộp bánh beignet 4 cái 2E giá khuyến mãi của siêu thị. Nó thích bánh. Sắp tới giờ cơm nhưng cũng chơi 1 cái to bằng cốc uống capuccino. Tôi cũng không cưỡng được mùi thơm dầu mỡ béo ngậy của cái bánh. Mùi hương đó gợi nhớ những chiều tối mùa đông Hà nội, ngồi co ro đợi bánh rán bánh chuối đang xèo xèo trong chảo mỡ của bà bán hàng đầu phố Lý quốc sư. Hồi đó phải 10 điểm bố mới cho tiền tự ra mua bánh. Cả học kỳ chắc được 2 cái bánh. Học trường Hoàn kiếm, cạnh nhà thờ lớn, trường chẳng phải trường chuyên chiếc gì, nhưng học cũng không quá dốt, nhưng có vẻ hồi đó cô giáo cho điểm hơi “đắt”.

mini beignets pile

mini beignets pile (Photo credit: u m a m i)

Nhớ lần đi thăm nhà họ hàng ở Paris, ngờ nghệch chả biết mua gì, chỉ nghĩ nên mang đến cái gì đó, ghé qua siêu thị cũng mua một hộp bánh Beignet cho bọn trẻ con, vì trông nó ngon. Nhà đó họ từ chối với lý do không cho trẻ con ăn vặt thì phải, lâu rồi không nhớ. Thôi thì thật thà mang ra sân bay, ngồi ăn một mình trệu trạo. Bánh hơi khô, bên trong có 1 tẹo nhân Abricole xay nhuyễn mát mát chua chua ngòn ngọt. Vừa nuốt vừa buồn. Ăn hai cái, xách tay máy bay về cho em 2 cái. Em ăn khen rối rít.

Bánh Beignet là loại bánh của những ngày Chay trước lễ Phục sinh. 40 ngày ròng rã dân ki tô giáo phải kiêng khem. Không ăn thịt, ăn ít bữa để tu tập tinh thần và chia sẻ cho nhau. Đại khái như thế, tùy theo từng người, từng vùng. Beignet hình như xuất phát có nghĩa gốc là “bánh chiên”, cùng với những loại bánh anh em song sinh đồng nghĩa của nó như bugne ra đời với công thức trộn bột lại với một chút men rồi thả qua chảo mỡ. Không trứng, không sữa không nhân hoa quả xay hay nutella như ngày nay. Những chiếc bánh chiên kiểu đó giúp giáo dân trong vùng qua được những tháng ngày chay giới nghiêm ngặt. Vì thế vào những ngày này, beignet xuất hiện ở khắp nơi, siêu thị, tiệm bánh ngọt, bánh mỳ và thậm chí ngay cả trong hàng thịt. Có lẽ để phục vụ những ông bà già chay giới vẫn hàng ngày đến tiệm thịt như một thói quen.

40 ngày dài cho đến lễ phục sinh, cũng là những giờ khắc cuối cùng của mùa đông ảm đạm. Tháng 4, khi mùa xuân thực sự đến với con thỏ trắng mang quả trứng đến gõ cửa nhà bạn. Khi hoa đào nở rộ trên hàng cây ven sông và đứa bé con tròn xoe mắt nhìn món đồ chơi chui ra từ quả trứng sô cô la. Tháng 4 là sự trở lại của những gì tươi đẹp nhất. Giáo hội có thể đã khéo léo kết hợp giữa những quy luận thiên nhiên với sự màu nhiệm của giáo lý khi chọn lễ phục sinh sau ánh trăng rằm của tháng xuân đầu tiên đó. Mùa xuân đã trở thành món quà được trao trong lễ phục sinh từ giáo hội cho muôn loài và đặc biệt là những con chiên ngoan đạo. Nhưng sự thật thì mùa xuân đã đến từ lâu rồi, trước cả khi thiên nhiên chuyển mình và đêm vẫn chưa ngắn lại. Mùa xuân đến từ trong mong ước của người dân, với những lễ hội dân gian có chút gì phản kháng. Đó là những buổi tiệc linh đình của ngày thứ ba béo (Mardi Gras) và những lễ hội Carnaval rộn rã. Và trong chuỗi những hoạt động dân gian đó, chiếc bánh Beignet/bugne lội qua mỡ thơm phức, nhưng ăn hơi khô đúng tính chất ăn chay hóa ra cũng ẩn chứa vài phần màu mỡ của cuộc sống vui vẻ trong những tháng ngày khổ hạnh.

lễ phục sinh

Carnaval Annecy by Isabelle Morisseau

Carnaval nguyên gốc có nghĩa là “tạm biệt thịt” cùng với Thứ ba béo là những dịp người dân ăn uống tung trời trước khi bước vào 40 ngày của mùa chay. Giờ đây khi số người dân thực hiện ăn chay theo giáo hội có phần suy giảm thì ngược lại, những Carnaval tràn lan ở mọi nơi. Người ta thậm chí quên đi lý do gốc của lễ hội hóa trang mà biến sự kiện này thành những dịp để cho dân tình vui chơi và đặc biệt là thu hút khách du lịch. Xem những Carnaval du lịch biển Hạ Long hay Nha trang chỉ thấy những con người cứng ngắc, màu mè như một sản phẩm khuyến mãi nhàn nhạt, không có cái “vui tươi, phấn khởi, hồ hởi, tự hào” của một xóm đạo làng quê trước khi vào mùa lễ.

Nói về bánh và phục sinh thì còn một kỷ niệm ở Amsterdam với bạn gái, khi tình cờ vào một siêu thị mua đồ lặt vặt thì được cho một cái bánh Vlaai to đùng miễn phí. May mắn. Về khách sạn xem buổi lễ Phục sinh trên ti vi nghe các đức cha áo tím giảng kinh hay hơn hát, chẳng hiểu gì nhưng khách sạn rẻ tiền cầm remote chuyển mãi không bật được kênh khác. Thậm chí tivi khỉ gió còn treo cao không tắt được nên cứ vừa xem các cha hát vừa ăn bánh miết. Đói mệt lười, chả dám làm gì sợ các cha soi xét. Ăn cái bánh xong thì tiết kiệm được 1 bữa tối vì khát nước do bánh khô không khốc. Chắc hàng miễn phí nên thế. Nhưng cũng ngon. Rồi thì bụng trương phềnh đành ngắm Hà lan qua cửa sổ. Được cái khách sạn ngoại ô nên view đẹp, có sông, có đồng cỏ, hoa và cả mấy con ngựa. Thời tiết Amsterdam tháng 4 thì không thể tuyện vời hơn. Đến giờ vẫn là kỳ nghỉ đẹp nhất trong đời.

3 bình luận

  1. Bạn Q viết bài này quá sức dễ thương :), tại có gắn thêm nhiều kỷ niệm vô quá thành ra thấy ngọt ngào chứ ko khô như cái Vlaai miễn phí nọ : ))

    1. :). Những kỷ niệm buồn

  2. Mình có thể hỏi tại sao lại buồn không?

Bình luận về bài viết này