Xây dựng những cây cầu biểu tượng trong đô thị

Bài viết nhắc lại những khái niệm chung về cầu và giới thiệu lịch sử những cây cầu độc đáo trong các đô thị việt nam cụ thể là Long Biên, Trường Tiền và cầu sông Hàn. Đây là những công trình kiến trúc độc đáo, không chỉ cấu thành nên cảnh quan đô thị mà còn có giá trị đại diện cho hình ảnh của thành phố đó. Từ những dẫn nhập đó, bằng cách tiếp cận kết hợp giữa thiết kế đô thị, ký hiệu học và nhân học đô thị, bài viết chỉ ra cách thức xây dựng một cây cầu trở thành biểu tượng của thành phố và cộng đồng địa phương.

Những cây cầu – Từ những công trình kiến trúc xây dựng độc đáo

 Việt Nam – xứ sở mà “ai cũng có một dòng sông bên mình”,  nơi người dân xưa kia thông thạo ghe thuyền, bơi lội nên các đô thị dù hình thành cạnh dòng nước lớn nhưng chủ yếu phát triển thông thương đường thủy “trên bến dưới thuyền”. Bên cạnh đó nền văn minh lúa nước không thiên về khoa học kỹ thuật, việc xây dựng những chiếc cầu vượt qua những con sông lớn với chế độ thủy văn phức tạp không phải đơn giản. Nếu so với nền văn minh phương Tây đã có những kết cấu vượt địa hình từ thế kỷ thứ nhất thì chúng ta khác biệt xa về kỹ thuật cũng như tư duy chinh phục thiên nhiên. Tuy nhiên, vẫn có thể kể tên vài cây cầu độc đáo xuất hiện trong các đô thị truyền thống Việt Nam như Chùa Cầu (Hội An, TK 17), Thê Húc (Hà Nội, TK19).

 Cho đến cuối thế kỷ 19, thời điểm đô thị Việt Nam chuyển mình sang hiện đại do những cải tạo của chính quyền thực dân Pháp. Bộ mặt đô thị thay đổi nhờ những kiến trúc hiện đại nhưng không kém phần duyên dáng của những cây cầu thép như Long Biên (Hà Nội) và Trường Tiền (Huế). Kể từ đó những công trình này trở thành những viên ngọc quý của thành phố và dần đi vào cuộc sống địa phương như một biểu tượng của đô thị và được người dân bảo vệ. Cầu Long Biên ngày nay trải qua bom đạn tuy không còn nguyên dạng, nhưng hình ảnh “con rồng thép” đầu tiên bắc qua sông Hồng vẫn đại diện cho một Hà Nội mạnh mẽ và hào hùng. Còn Huế, có lẽ trong lòng những người yêu Huế, không ai có thể tưởng tượng ra một Huế mộng mơ thiếu cầu Trường Tiền “sáu vài mười hai nhịp” với những bóng áo trắng nữ sinh thướt tha. Những cây cầu này có giá trị thẩm mỹ cao, hình thái cũng phù hợp với không gian và ý đồ thiết kế. Nếu như Long Biên khoe những tiết tấu thép khỏe khoắn trên dòng nước sông Hồng phù sa cuồn cuộn, thì cầu Tràng Tiền duyên dáng “như chiếc lược ngà” soi mình xuống sông nước sông Hương phẳng lặng hòa với nhịp điệu hình thái của sông núi xứ Thần Kinh.

Cầu trong khái niệm là công trình cho phép vượt qua một trở ngại địa hình (dòng sông, thung lũng) và tạo ra một đường vận tải (đường bộ hay cho nước chảy), tuy nhiên cùng với sự phát triển của nhu cầu xã hội thì những cây cầu ngày càng trở nên đa dạng về công năng, như cầu đường sắt, cầu cho người đi bộ, cầu vượt, kênh dẫn nước, kênh dẫn đường ống .v.v. Chi phí xây dựng cầu khá tốn kém, đó đều là những dự án vừa lớn về đầu tư tài chính lại vừa khó về kỹ thuật xây dựng, tuy nhiên không vì thế mà có thể bỏ qua yêu cầu thẩm mỹ khi thiết kế cầu. Trong cách phân loại công trình của Pháp, cầu được xếp vào loại “ouvrage d’art” là những công trình công cộng quan trọng nổi bật, khi xây dựng thì bên cạnh những tính toán lý thuyết và kỹ thuật chính xác, cần rất nhiều kinh nghiệm và cảm quan kiến trúc của những người thiết kế. Đặc biệt đối với những cây cầu trong đô thị thì lại càng cần lưu ý đến giá trị thẩm mỹ, không đơn giản chỉ là “một kết cấu bất kỳ vượt khẩu độ không dưới 6m tạo thành một phần của con đường” (1) như trong tiêu chuẩn thiết kế nữa, chiếc cầu đó sẽ tham gia trang trí nên bộ mặt của thành phố và đi vào tâm thức của người dân địa phương cũng như khách du lịch.

Khi mỹ học cầu được quan tâm thì ngày càng có nhiều mẫu thiết kế lạ mắt hơn, đi kèm với công nghệ thi công tiên tiến hơn.  Từ những công trình ban đầu do các kỹ sư nước ngoài giúp đỡ thực hiện, trình độ thiết kế và thi công của nền xây dựng Việt Nam cũng tiến song hành với lịch sử ra đời của những cây cầu trong thành phố, đánh dấu sự phát triển đi lên về kinh tế và xã hội của đô thị. Cầu Chương Dương ra mắt năm 1986 trong một nỗ lực chắt chiu vật liệu để giải quyết khó khăn, cầu sông Hàn – cây cầu dây văng đầu tiên của kỹ sư việt nam thực hiện, cầu Thuận Phước cầu treo dây võng đầu tiên mới khánh thành. Đà Nẵng có lẽ là thành phố chú ý nhiều nhất đến tính hiện đại – thẩm mỹ của những chiếc cầu trong những năm gần đây. Hình ảnh đô thị phát triển đi lên từ đầu tư cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng gắn liền với những chiếc cầu “như những nấc thang phát triển của thành phố hướng ra biển theo dòng sông Hàn” (2).

Đến những biểu tượng đô thị

Các đô thị đua nhau xây dựng những cây cầu với nhiều kiểu dáng độc đáo, nhưng, chúng có thực sự trở thành biểu tượng của thành phố trong tâm thức người dân hay không lại là một vấn đề vượt ra ngoài ý đồ của những nhà quản lý, thiết kế để đi tràn sang lĩnh vực đời sống văn hóa địa phương.

Theo định nghĩa của UNESCO thì “văn hóa là một tập hợp các hệ thống biểu tượng…”. Biểu tượng là đơn vị cơ bản để di truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác (3), và cũng là đối tượng chính để nghiên cứu tìm ra bản sắc văn hóa địa phương. Peter Nas trong những tổng hợp nghiên cứu có liệt kê ra bốn loại đối tượng mang biểu tượng chính của một đô thị: vật chất, diễn ngôn, nhân vật và hành vi (4). Cây cầu có thể trở thành một đối tượng vật chất mang biểu tượng cho thành phố nếu thỏa mãn một số yêu cầu nhất định.

Theo C. Jung “Biểu tượng là một danh từ, một tên gọi hay một đồ vật, ngay cả khi là quen thuộc ở trong đời sống hàng ngày, nhưng vẫn chứa đựng những mối liên hệ về mặt ý nghĩa, bổ sung vào cái ý nghĩa ước định hiển nhiên và trực tiếp của chúng”. Hay “Tượng là lấy cái hình này để tỏ cái nghĩa kia”. Như vậy một cây cầu muốn đi vào hệ thống biểu tượng của văn hóa địa phương phải trở thành một hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày, phải là một phần quan trọng trong hình ảnh tổng thể đô thị đó, và đi vào tâm thức cộng đồng dân cư địa phương như đại diện cho thành phố của mình. Giá trị sử dụng của nó không dừng lại ở công năng mà còn đi vào trong suy nghĩ, lời nói ví von của người dân nơi đó.

Làm cách nào để hình ảnh một công trình kiến trúc đi vào trong tâm thức người dân? Vấn đề này đã được Kevin Lynch phân tích trong tác phẩm Hình ảnh của thành phố (5). Theo ông thì việc nhận biết của cá nhân trong môi trường xung quanh cần dựa vào Bản sắc (identity) của đối tượng, Cấu trúc (structure) là mối quan hệ không gian giữa đối tượng với người quan sát và với đối tượng khác, cuối cùng là Ý nghĩa (meaning) của đối tượng với người quan sát.

Như vậy đi kèm với kiến trúc độc đáo (Bản sắc), những cây cầu phải nằm trong một tổng thể quy hoạch đô thị làm bối cảnh (Cấu trúc) để tôn vinh giá trị kiến trúc độc đáo đó. Để làm rõ vấn đề này Lynch đưa ra khái niệm khả năng hình ảnh hóa (imageability) với 5 yếu tố giúp nhận dạng đô thị bằng thị giác là đường dẫn, cạnh, khu vực, nút và điểm mốc. Theo quan điểm của người viết, bỏ qua yếu tố Khu (district) liên quan đến một phần diện tích lớn trong đô thị, thì một cây cầu gần như đã tiềm tàng trong nó 4 yếu tố còn lại mà không cần quá nhiều thủ pháp trong thiết kế kiến trúc và quy hoạch. Thật vậy, mỗi cây cầu là một đường dẫn (path) trên bản đồ dễ dàng điều hướng thị giác, chúng cũng là điểm tụ (node) giao thông quan trọng của thành phố gây ra những hiệu ứng ra, vào một không gian khác biệt. Không gian mặt sông thoáng đáng bị chặn lại (edge) bởi những cây cầu cũng là đồng thời tạo ra những góc quan sát lý tưởng cho một công trình kiến trúc đóng vai trò điểm nhấn cảnh quan (landmark) đô thị.

Việc xây dựng cây cầu theo các yêu cầu về Bản sắc và Cấu trúc một cách chủ động là điều mà hầu hết các nhà quản lý và thiết kế đang cố gắng thực hiện. Nhưng để đạt được yếu tố thứ ba, gán cho công trình một Ý nghĩa biểu tượng mà được cộng đồng địa phương chấp nhận, lại là một nhiệm vụ khó cụ thể hóa đối với nhà thiết kế. Bản thân Kevin Lynch cũng nhận xét rằng Ý nghĩa phụ thuộc vào quá nhiều cá nhân với phông nền văn hóa đa dạng khác nhau nên rất phức tạp. Người thiết kế nên tập trung vào hai khái niệm đầu (Bản sắc và Cấu trúc) và để cho Ý nghĩa đến một cách tự nhiên. Trong trường hợp bài viết này khi đã ràng buộc trước về Ý nghĩa bằng việc đặt ra nhiệm vụ xây dựng cây cầu như biểu tượng hình ảnh của đô thị, liệu có quy luật nào cụ thể hơn để gắn kết giữa ý đồ thiết kế với tâm thức cộng đồng nhằm mang lại tính hiệu quả hơn cho những mô hình thiết kế?

Để trả lời, có một cách tiếp cận là áp dụng những lý thuyết về ký hiệu học để phân tích mối quan hệ giữa cái biểu đạt (cây cầu) và cái được biểu đạt (đô thị) như sự giải cấu trúc để tìm ra “mã” của quá trình ý nghĩa hóa hình ảnh này. Việc bóc tách lớp ý nghĩa giữa cây cầu hiện thực và hình ảnh tưởng tượng, ẩn dụ trong tâm thức người sử dụng thường trải qua nhiều lớp và không có cấu trúc chung cho mọi hình ảnh. Mỗi trường hợp là một nghiên cứu, một cấu trúc, và một quá trình “giải mã” tương ứng. Dữ kiện cung cấp cho quá trình giải cấu trúc đó là ca dao, truyền thuyết, sản phẩm văn hóa, tác phẩm nghệ thuật như hội họa, thơ văn, nhạc, hát, ấn phẩm du lịch, .v.v. Tuy nhiên có một nhận xét, là nếu chia quá trình giải mã hình ảnh ra thành nhiều lớp nghĩa, lớp nghĩa sau xây dựng trên lớp nghĩa trước, thì hình ảnh ước lệ của cây cầu vốn tượng trưng cho sự kết nối, gặp gỡ và sự vượt qua đóng một vai trò quan trọng.

Ví dụ về Long Biên có thể được xem như hình ảnh của một Hà Nội vượt qua thiên nhiên và chiến tranh. Là cây cầu đầu tiên vượt qua sông Cái hung dữ của cả vùng châu thổ, cầu Long Biên trong chiến tranh là hình ảnh quật cường của quân dân thủ đô Hà Nội vượt qua cuộc chiến, gắn liền với những mốc son hào hùng của lịch sử. Hình ảnh cây cầu thép nổi bật trên dòng sông Hồng hung dữ hay những khuôn hình minh họa khoảnh khắc chiến đầu và chiến thắng của nhân dân Hà Nội đã đi vào trong nhiều tác phẩm văn chương và nghệ thuật thị giác.

Ở một trường hợp khác, nếu nghiên cứu về hình ảnh cầu Trường Tiên qua những câu thơ, ca dao của người dân xứ Huế, nổi bật lên đó là hình tượng kết nối giữa đất với đất, người với người, “cầu Trường tiền sáu vài, mười hai nhịp, em qua không kịp tội lắm anh ơi”. “Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại. Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong. Ơi người lỡ hội chồng con. Về dây gá nghĩa vuông tròn với ai” .v.v. Hình ảnh kết nối đó phù hợp với bản sắc văn hóa chứa chan tình cảm và đầy ràng buộc của con người xứ Huế. Tương tự, Chùa Cầu Hội An là sự gặp gỡ giao thương giữa các cộng đồng dân địa phương Việt, Nhật, Hoa. Cầu Thê Húc thời phong kiến tuy nằm trong quần thể Hồ Gươm, Bút Tháp, Thê Húc, Ngọc Sơn, nhưng cũng là biểu tượng của sự kết nối giữa đời thực và tinh thần, sự giao thoa gặp gỡ các tôn giáo trong tinh thần người Việt.

Cầu quay sông Hàn ra đời năm 2000 lại ẩn dụ một tính vượt qua và kết nối khác của Đà Nẵng, đó là sự tách biệt và chuyển mình hiện đại. Đà Nẵng khi đó là một thành phố trẻ năng động vừa tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1996 và trỗi dậy thành một đô thị linh hoạt về tư duy kết hợp với hạ tầng hiện đại. Khi đã chứng kiến ánh mắt của người dân thành phố thức đến gần sáng háo hức chờ xem cầu quay những năm đầu thiên niên kỷ này chúng ta có thể hiểu tại sao cây cầu chỉ mới ra đời đã phù hợp với phát triển của văn hóa địa phương và trở thành biểu tượng thành phố khi đó. Tuy nhiên, ngày nay khi Đà Nẵng vừa có thêm nhiều cây cầu độc đáo khác nổi bật trên bức tranh đô thị, đồng thời cuộc sống kinh tế xã hội thành phố đã chuyển sang giai đoạn mới, có lẽ cầu quay sông Hàn khó có thể tiếp tục trở thành biểu tượng đương đại cho Đà Nẵng. Một động thái gần đây nhất là Đà Nẵng đã bỏ logo du lịch cũ có hình cầu sông Hàn để chuyển sang một logo mới sử dụng núi Ngũ Hành Sơn làm đại diện. Dù không còn mang tính đương đại, cầu sông Hàn vẫn là một biểu tượng về một giai đoạn lịch sử của thành phố, biểu tượng cho một thế hệ đã xây dựng thành phố bằng tư duy mới vào đầu thế kỷ này. Điều này cũng đúng cho cầu Long Biên, đến giờ vẫn đại diện cho một thế hệ xây dựng và bảo vệ Hà Nội trong chiến tranh trong những giờ phút khó khăn và hào hùng nhất thế kỷ trước.

Lời kết

Việc xây dựng những cây cầu mới vừa phù hợp với sự đi lên của thành phố vừa minh họa cho bản sắc cộng đồng địa phương có ý nghĩa quan trọng cho những đô thị hiện đại. Để đi đến một quyết định xây dựng hay sửa chữa bảo tồn, nhà quản lý thường hay phân tích giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử đi kèm với giá trị sử dụng để đánh giá những cây cầu như một công trình kiến trúc một cách khách quan. Cách làm này tuy chi tiết, nêu bật được các giá trị, nhưng đôi lúc không thể hiện mối tương quan giữa các giá trị để có thể cân nhắc dẫn đến một kết luận hay một quyết định đầu tư. Bài viết này cố gắng đặt những cây cầu trong một bối cảnh trong tâm thức của cộng đồng địa phương để hé lộ những giá trị cần thiết cho một cây cầu trở thành biểu tượng cho thành phố. Bằng cách tiếp cận kết hợp giữa hình thái- kiến trúc, ký hiệu học biểu tượng và nhân học đô thị, bài viết kết luận rằng một cây cầu trở thành biểu tượng khi thỏa mãn bộ ba tiêu chí:

– Kiến trúc độc đáo theo phong cách đương đại, công nghệ xây dựng hiện đại tiên tiến

– Có khả năng hình ảnh hóa tốt, nằm trong một tổng thể quy hoạch phù hợp về điểm nhấn thị giác, bối cảnh nổi bật công trình

– Tính biểu tượng xây dựng từ hình ảnh ẩn dụ của cây cầu là sự vượt qua, sự gặp gỡ kết nối, ý nghĩa ẩn dụ này phải phù hợp với một giai đoạn lịch sử của đời sống văn hóa cộng đồng địa phương.

Hạn chế của lập luận này do bắt nguồn từ cách tiếp cận chủ thể nên không phải là kết luận tổng quát của vấn đề khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên hoàn toàn có thể xem như đó chỉ là một nghiệm riêng, một gợi ý cho các nhà quản lý và thiết kế đô thị có thể sử dụng như một căn cứ logic để bắt tay xây dựng nên những cây cầu mới có giá trị văn hóa, hay để xác định đúng những đối tượng văn hóa cần bảo tồn hoặc phục vụ cho việc tiếp thị thương hiệu đô thị qua những công trình kiến trúc.

Tài liệu tham khảo :

(1) Tiêu chuẩn thiết kế cầu 22 TCN 275-05

(2) Văn hóa biển đảo Việt Nam – Chuyện kể về những cây cầu Đà Nẵng – phim phóng sự VTC

(3) Nguyễn Văn Hậu, Biểu tượng như là đơn vị cơ bản của văn hóa

(4) Peter J.M. Nas, Cities Full of Symbols, 2011

(5) Kevin A. Lynch, The Image of the City, 1960

(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Xây dựng – số 68)

Bình luận về bài viết này